Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 877/QĐ-BNN-CĐS ngày 29/3/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2024, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp tổ chức Hội nghị về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Nam Bộ.
Phát biểu khai mạc, ông Đặng Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, nhấn mạnh rằng năm 2024 là thời điểm then chốt để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và thay đổi mô hình kinh doanh với nông dân là trung tâm. Mục tiêu là cải thiện thu nhập cho người nông dân thông qua việc chuyển từ sản xuất truyền thống sang phát triển kinh tế nông nghiệp.
Theo thống kê, thương mại điện tử tại Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD trong năm 2023, tăng 42% so với năm trước đó, và được dự báo sẽ tăng lên 35 tỷ USD vào năm 2025 nhờ sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, từ hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, thiếu kỹ năng số trong lao động nông nghiệp đến sự phối hợp còn hạn chế giữa các cơ quan quản lý.
Ông Đặng Duy Hiển cũng đề xuất rằng cần ứng dụng công nghệ hiện đại như cảm biến, trí tuệ nhân tạo (AI), và hệ thống giám sát tự động để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, việc đào tạo kỹ năng số cho nông dân, khuyến khích khởi nghiệp và đầu tư vào công nghệ cũng rất cần thiết.
Tại hội nghị, ông Thái Nguyễn Hoài Thiên, Quản lý Dự án phát triển nền tảng nông nghiệp số VDAPES thuộc Công ty RYNAN Technologies, đã giới thiệu các ứng dụng công nghệ trong hệ sinh thái nông nghiệp số tại tỉnh Đồng Tháp. Hệ sinh thái này tích hợp nhiều công nghệ hiện đại như IoT, AI và blockchain, giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất và quản lý nông nghiệp, từ theo dõi môi trường đến quản lý sâu bệnh và dự báo thời tiết.
Tuy nhiên, ông Thiên cũng cho rằng để xây dựng thành công hệ sinh thái nông nghiệp số, ngành nông nghiệp cần nâng cao trình độ công nghệ thông tin tại cơ sở, xây dựng quy chế vận hành rõ ràng và liên tục cập nhật công nghệ nhằm đáp ứng các yêu cầu mới.
Ngành nông nghiệp đang đối mặt với nhiều nút thắt như hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, dữ liệu phân tán, và thiếu sự liên kết giữa các cơ quan quản lý. Chi phí đầu tư cho chuyển đổi số cũng cao nhưng chưa có nhiều chính sách hỗ trợ thực tế.
Các quốc gia đã thành công trong chuyển đổi số nông nghiệp đều bắt đầu từ việc xây dựng hệ thống thông tin nông nghiệp, thúc đẩy đổi mới khoa học công nghệ và phát triển thương mại điện tử nông thôn. Từ đó, Việt Nam cũng cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển nông nghiệp thông minh, và đào tạo kỹ năng số cho nông dân.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết nông nghiệp là một trong tám lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số. Mục tiêu đến năm 2025 là xây dựng và cập nhật 80% cơ sở dữ liệu nông nghiệp trên nền tảng dữ liệu lớn. Các đề án lớn như phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát triển cây ăn quả chủ lực và ngành hoa cây cảnh đến năm 2030 đều cần có hệ thống thông tin số hỗ trợ.
Ông Tùng cũng chia sẻ về việc triển khai hệ thống RiceMoRe để theo dõi và báo cáo sản xuất lúa từ năm 2018. Dự kiến, hệ thống này sẽ được triển khai trên toàn quốc vào cuối năm 2024, tích hợp với cơ sở dữ liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm phục vụ công tác quản lý và tư vấn sản xuất.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Điều này đòi hỏi cơ sở hạ tầng công nghệ vững chắc từ cấp cơ sở, đồng thời cần có những quy chế vận hành rõ ràng để đảm bảo quá trình chuyển đổi số diễn ra đồng bộ và hiệu quả.
Ông Scott Drummond James, Tổng Lãnh sự New Zealand tại Việt Nam
Hội nghị cũng diễn ra sự kiện ra mắt Hệ thống Theo dõi và báo cáo hoạt động sản xuất lúa RiceMoRe. Đây là một trong những công cụ chuyển đổi số được Viện nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) phối hợp với Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (DTS) cùng một số đối tác phát triển. RiceMoRe giúp thu thập dữ liệu canh tác lúa tại thực địa thông qua công cụ phần mềm cài đặt trên thiết bị di động và máy tính. Nhờ đó, dữ liệu về tình hình sản xuất lúa được thu thập thường xuyên, liên tục. Những thông tin này đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động giám sát, quản lý và ra quyết định của các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ban ngành thuộc Bộ. Hệ thống dữ liệu của RiceMoRe được quản lý tập trung tại Trung tâm dữ liệu thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hội nghị đã được nghe nhiều tham luận giá trị của các nhà quản lý, cơ quan thường trực chuyển đổi số của Bộ và các tổ chức, công ty công nghệ. Các đại biểu đến từ 24 tỉnh, thành phố cùng các tổ chức trong nước và quốc tế đã có nhiều ý kiến tham luận về ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong nông nghiệp; ứng dụng Internet vạn vật (IoT) trong thu thập dữ liệu, quản lý và giám sát hoạt động sản xuất; tuân thủ và đáp ứng các yêu cầu của điều luật EUDR; chiến lược và lộ trình chuyển đổi số của Bộ.
Trong thời gian tới, cơ quan thường trực chuyển đổi số của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tổ chức các diễn đàn chuyển đổi số tại các tỉnh miền trung và miền núi phía Bắc nhằm chia sẻ thông tin và thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Fumido