Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030, thay vì kết thúc vào ngày 31/12/2025 như quy định hiện hành.
Đây được coi là giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ trực tiếp người nông dân, khuyến khích đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Tăng cơ hội đầu tư cho nông nghiệp
Theo Bộ Tài chính, chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp được triển khai hơn 30 năm qua và đang thực hiện miễn thuế đến hết ngày 31/12/2025, theo các nghị quyết của Quốc hộ (Nghị quyết số 55/2010/QH12, Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH 14), trừ diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho tổ chức quản lý nhưng không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp.
Qua 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, tổng số thuế sử dụng đất nông nghiệp miễn, giảm giai đoạn 2003-2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011-2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017-2018 và đến hết năm 2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2021-2023 trung bình khoảng 7.500 tỷ đồng/năm.
Nông nghiệp luôn được đánh giá là ngành quan trọng và có lợi thế của Việt Nam.
Tuy nhiên, chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp bộc lộ một số điểm không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại, như: Cách xác định thuế lạc hậu, giá trị thu được thấp (thuế được tính bằng thóc, thu bằng tiền) và phần lớn các nội dung hiện không còn được áp dụng trên thực tế do thi hành chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho toàn bộ diện tích đến hết ngày 31/12/2025.
Từ năm 1993 đến nay, chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp chủ yếu thay đổi theo hướng tăng ưu đãi, miễn và giảm thuế để thực hiện các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, người nông dân và khu vực nông thôn. Các địa phương đều cho rằng, việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong giai đoạn tiếp theo là cần thiết và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Bộ Tài chính đánh giá, việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030 sẽ không làm giảm nguồn thu ngân sách, vì chính sách này đã được triển khai trong thực tế. Nếu được thông qua, Nghị quyết sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.
Nông nghiệp luôn được đánh giá là ngành quan trọng và có lợi thế của Việt Nam. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên thuận lợi cho phép nước ta phát triển nền nông nghiệp đa dạng về cơ cấu cây trồng, vật nuôi trải dài khắp cả nước.
Những năm gần đây, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Việt Nam trở thành một trong những nước có một số mặt hàng xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt mức cao kỷ lục, 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023; các mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 3 tỷ USD trở lên gồm có: gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, rau quả, gạo, cà phê, điều, cao su...
Tuy nhiên số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 1,3% tổng số doanh nghiệp. Trong đó, đa số là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, hạn chế về nhân lực, tài chính, khoa học công nghệ, khả năng phát triển thị trường và vùng nguyên liệu.
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) nhận định, Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030 rất có ý nghĩa, bởi việc thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp trong những năm qua đã khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, góp phần nâng mức tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản.
Hiện nay, các địa phương đang tập trung triển khai quyết liệt tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong khi hầu hết người dân sinh sống ở các vùng nông thôn đều dựa vào sản xuất nông nghiệp (chiếm khoảng 70%). Do đó, chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ giúp cho người nông dân gắn bó hơn với ruộng vườn, yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp; chia sẻ khó khăn với nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển.
Đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp
Đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, Điều 1, Nghị quyết 55/2010/QH12 và khoản 1, Điều 1, Nghị quyết 28/2016/QH14, cụ thể như sau:
- Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm; diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm; diện tích đất làm muối.
- Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ nghèo.
- Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp cho các đối tượng sau đây:
+ Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất để sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả đất được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển quyền sử dụng đất;
+ Hộ gia đình, cá nhân là thành viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nông trường viên, lâm trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật;
+ Hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp góp quyền sử dụng đất nông nghiệp của mình để thành lập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo quy định của Luật hợp tác xã.
- Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp.
Đối với diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang quản lý nhưng không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp thì:
+ Thực hiện thu hồi đất theo quy định của Luật đất đai;
+ Trong thời gian Nhà nước chưa thu hồi đất thì phải nộp 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Để tiếp tục thực hiện kết quả đạt được của việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; tiếp tục khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích kinh tế trang trại; góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa; góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; tiếp tục hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống người nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới và vẫn đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 15, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội để kéo dài thời gian thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12, Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14 đến hết ngày 31/12/2030.Nếu được thông qua, Nghị quyết sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.
Nguồn: Kinh tế nông thôn
Tags:
Kinh tế số