Sự đột phá của các công nghệ số như Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI), Chuỗi khối (Blockchain), Dữ liệu lớn (Big Data) đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới.
Hệ thống tưới tiêu của nông trường VinEco Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) được điều khiển và giám sát trên máy tính. (Ảnh Đức Khánh)
Ngành nông nghiệp Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động phát triển của ngành theo hướng nông nghiệp số, nông thôn số, nông dân số đã và đang góp phần thúc đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tối ưu hóa quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc và giảm phát thải.
Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định rõ, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trước; trong đó, chú trọng tới việc triển khai các sáng kiến nhằm liên kết giữa các ngành, lĩnh vực để cung cấp một trải nghiệm mới, hoàn toàn khác, mang lại giá trị cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Kinh tế số nông nghiệp
Ông Nguyễn Quốc Toản - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Thời gian qua, việc số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để nâng cao giá trị kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp đã ghi nhận nhiều kết quả.
Cụ thể, trong sản xuất chăn nuôi và thú y, nhiều cơ sở, trang trại chăn nuôi đã áp dụng hệ thống cảm biến điều khiển tiểu khí hậu chuồng nuôi, cho ăn và cấp nước uống tự động; quản lý, theo dõi chăn nuôi, xuất xứ động vật nuôi bằng phần mềm. Công nghệ IoT, Blockchain đã được ứng dụng tại trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn. Hiện tại, ngành chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ số nhiều nhất, với mô hình nổi bật là ứng dụng trong các trang trại hiện đại của Tập đoàn TH TrueMilk và Công ty Vinamilk. Trong lĩnh vực kinh tế hợp tác, đã xây dựng, vận hành hệ thống quản lý dữ liệu hợp tác xã nông nghiệp trên phần mềm online quanlyhtxnongnghiep.gov.vn;
hợp tác, liên kết với một số công ty công nghệ số triển khai phần mềm ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã nông nghiệp như: Phần mềm quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc; phần mềm kế toán WACA; phần mềm Nhật ký điện tử. Ngoài ra, có hơn 600 hợp tác xã nông nghiệp đã tham gia sàn giao dịch sanocop.vn kết nối tiêu thụ xuất khẩu tới các thị trường Nhật Bản, Anh, Pháp, Hà Lan, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc với các mặt hàng sầu riêng, khoai lang, bưởi, xoài, chôm chôm...
Kinh tế số nông nghiệp cũng đã tạo ra một lực lượng “nông dân 4.0”. Nhiều nông dân đã thành thạo trong việc sử dụng chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác để tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón...), tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết...
“Theo thống kê từ các địa phương, đến tháng 12/2023 đã có hơn hai triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành phố được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử và hàng nghìn giao dịch điện tử đã được thực hiện. Bên cạnh đó, khảo sát của Hiệp hội Crop Life châu Á cho thấy, gần 50% số nông dân trồng lúa, rau quả của Việt Nam được hỏi cho biết họ muốn áp dụng số hóa trong nông nghiệp. So với một số quốc gia trong khu vực ASEAN cùng khảo sát, Việt Nam là nước có tỷ lệ cao nhất” - ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.
Đánh giá những hiệu quả mà chuyển đổi số mang lại cho ngành thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số có thể giúp doanh nghiệp thủy sản giảm khoảng 7-25% chi phí các loại.
Thí dụ như công nghệ tự động hóa đã được áp dụng khá rộng rãi trong khâu chế biến thủy sản từ phân loại, hấp, đóng gói, dây chuyền sản xuất... giúp giảm chi phí sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm thủy sản. Ngoài ra, với các doanh nghiệp đầu tư bài bản cho chuyển đổi số trong vấn đề quản trị, khi gặp bất cứ một cuộc thanh tra kiểm tra nào, họ đều tự tin đáp ứng được yêu cầu với đầy đủ các thông tin một cách nhanh chóng. Đây là một trong những điểm quan trọng nhằm minh bạch thông tin để bảo đảm niềm tin của mọi đối tác nhập khẩu.
Đầu tư cho chuyển đổi số
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Tỷ trọng nông nghiệp trong GDP của Việt Nam hiện nay là 11,9%, cao hơn mức trung bình của thế giới là 4,3%. Tăng trưởng nông nghiệp trung bình hằng năm là 3,5%, cũng cao hơn mức trung bình của châu Á và khu vực Đông Nam Á. Nhưng tỷ trọng số hóa trong nông nghiệp theo ước tính thì mới đạt 2,1%, tức là mức thấp so với thế giới.
Điều này có nghĩa là chúng ta có nhiều dư địa, nhiều cơ hội để làm, để thay đổi nhưng cũng là mối lo vì mục tiêu mà Chính phủ đặt ra cho ngành nông nghiệp trong Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số là đến năm 2025, ngành nông nghiệp phải đạt tỷ trọng kinh tế số là 10%. Do đó thời gian tới, cần phải đẩy mạnh đầu tư để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.
Là một trong những ngành quan trọng của lĩnh vực nông nghiệp, ngành lâm sản đang đứng trước những thách thức lớn của chuyển đổi số. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài đề nghị các bộ, ngành liên quan hỗ trợ hiệp hội và doanh nghiệp gỗ tăng cường năng lực chuyển đổi số thông qua các khóa đào tạo; hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ số để chuyển đổi sản xuất xanh và thương mại xanh nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới đối với quản trị rừng và thương mại sản phẩm gỗ, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp gỗ Việt Nam phải đối diện với các biện pháp phòng vệ thương mại có tần suất xuất hiện ngày càng tăng.
Thực tế, nếu không ứng dụng công nghệ số thì doanh nghiệp gỗ rất khó đáp ứng các cam kết theo Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và EU về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) cũng như đáp ứng Quy định Chống phá rừng của EU (EUDR) về tăng cường thực hành trách nhiệm giải trình và cung cấp bằng chứng tọa độ địa lý.
Mặt khác, ngành gỗ cũng cần được đầu tư xây dựng nền tảng thương mại điện tử để tiếp thị sản phẩm gỗ do sản phẩm gỗ thường có khối lượng lớn, mẫu mã thay đổi nhanh nên việc sử dụng các nền tảng trực tuyến sẽ giúp doanh nghiệp đa dạng thị trường, giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh nhiều bất trắc do xung đột địa chính trị như hiện nay.
Về cách thức đầu tư cho chuyển đổi số nông nghiệp, đại diện Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) Dương Trọng Hải chia sẻ: Cần có các chính sách cho doanh nghiệp nông nghiệp số đứng đầu chuỗi giá trị nông sản, để họ dẫn dắt chuyển đổi số cho các thành phần sản xuất như nông hộ và hợp tác xã số, dần hình thành xã hội nông nghiệp số, từ đó nhu cầu và thị trường công nghệ số cho nông nghiệp sẽ hình thành.
Cách làm này sẽ trực tiếp thu hút được các doanh nghiệp công nghệ vào cuộc xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp số. Ngân sách đầu tư cho lĩnh vực này cũng cần tập trung, không bị phân mảnh, và phải xác định chuyển đổi số không phải về công nghệ, mà là nội dung chuyên môn số, nghiệp vụ số, phương thức sản xuất mới, mô hình kinh doanh mới, vì thế cần để các đơn vị chuyên môn làm chủ quản về chuyển đổi số của ngành.
VNPT sẽ cùng chia sẻ trách nhiệm này với ngành nông nghiệp, thực hiện chuyển đổi số cho 20.000 hợp tác xã nông nghiệp trong năm 2025; có chính sách hỗ trợ cho các hợp tác xã, nông hộ tham gia trong 1-2 năm. Những năm còn lại, VNPT cam kết trách nhiệm duy trì bằng cách hình thành chuỗi liên kết giá trị, từ đó tạo ra giá trị gia tăng, các doanh nghiệp tham gia chuỗi sẽ chịu chi phí duy trì này.
Nguồn: Báo Nhân dân