CHUYÊN TRANG CHUYỂN ĐỔI SỐ


Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Hội nghị tập huấn phổ biến kiến thức nền tảng về chuyển đổi số cho cán bộ công chức, viên chức thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT

Ngày 7/6, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức Hội nghị tập huấn phổ biến kiến thức nền tảng về chuyển đổi số cho cán bộ công chức, viên chức thuộc Bộ NN-PTNT. Tham dự hội nghị có thành viên Ban chỉ đạo chuyển đổi số, tổ giúp việc, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc bộ; Đại diện Tổ Đề án 06 (C06) - Bộ Công an, Tổ chức Sáng kiến thương mại Bền vững Việt Nam - (IDH). Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo hội nghị.



Toàn cảnh hội nghị


Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết sắp tới, Bộ NN-PTNT sẽ ban hành khung kiến trúc dữ liệu của ngành nông nghiệp. Theo Thứ trưởng, nếu không có dữ liệu sẽ không có chuyển đổi số dữ liệu. Ngành nông nghiệp cần phải lấy dữ liệu nhiều nhất nhưng hiện nay lại có rất ít dữ liệu. Áp lực lên chuyển đổi số của ngành nông nghiệp rất nhiều và điều đầu tiên là phải có kiến trúc cơ sở dữ liệu, từ đó mới đồng bộ dữ liệu. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết trong năm nay, ngành sẽ triển khai rà sát, điều chỉnh cơ sở dữ liệu, từ đó tính toán để có thể đảm bảo triển khai dữ liệu về tàu cá trước tiên bởi nó liên quan đến vấn đề thẻ vàng IUU; sau đó là nâng cao năng lực cho cán bộ lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, cán bộ công chức, viên chức của Bộ, của địa phương và người nông dân.


Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại hội nghị

Theo Ông Đặng Duy Hiển, Phó giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, ngành nông nghiệp muốn thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện thì cần phải hoàn thiện bộ tam “Quy” (Quy hoạch: kiến trúc dữ liệu điện tử; Quy chuẩn: kiến trúc dữ liệu, Quy chế: quy định tuân thủ quy hoạch, quy chuẩn) và đưa vào cuộc sống. Giới thiệu về dự thảo Kiến trúc Chính phủ điện tử (CPĐT) của Bộ NN-PTNT phiên bản 3.0, ông Hiển cho biết đây sẽ là bản quy hoạch tổng thể về ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ NN-PTNT áp dụng từ năm 2024, được nâng cấp từ phiên bản 2.0 ban hành năm 2021. Kiến trúc CPĐT phiên bản 3.0 gồm có 5 thành phần: Kiến trúc nghiệp vụ; kiến trúc ứng dụng; kiến trúc dữ liệu; kiến trúc công nghệ; kiến trúc an toàn thông tin mạng, an ninh mạng. Trong đó, các thành phần và mối quan hệ giữa các thành phần gắn liền ứng dụng công nghệ thông tin với các lĩnh vực nghiệp vụ của Bộ.

Ông Hiển cho rằng, để thực hiện chuyển đổi số tại Bộ mạnh mẽ hơn và để việc tuân thủ Kiến trúc CPĐT 3.0 tốt hơn cần có quy định để "bắt buộc" các đơn vị phải tuân thủ chặt chẽ Kiến trúc CPĐT 3.0. Bên cạnh đó, kết quả đầu ra của nhiệm vụ, đề tài, dự án phải là tài liệu, dữ liệu số phù hợp với kiến trúc dữ liệu. Nghiên cứu, đổi mới mô hình cơ quan chuyên trách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số theo Quyết định số 1690/QĐ-TTg.


Ông Nguyễn Quốc Toản - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghi, các đại biểu đã được nghe hai báo cáo tham luận “Kết nối, liên thông Hệ thống thông tin dữ liệu tàu cá với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân” và “Giải pháp về chuyển đổi số trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin rừng và vùng sản xuất nhằm đáp ứng các yêu cầu EUDR (Quy định chống phá rừng của EU)” do đại diện Tổ Đề án 06 (C06) - Bộ Công an và Tổ chức Sáng kiến thương mại Bền vững Việt Nam (IDH) trình bày. Đại diện các đơn vị liên quan thuộc Bộ NN-PTNT cũng đã có nhiều ý kiến đóng góp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chuyển đổi số tại đơn vị mình và đề xuất giải pháp để thực hiện hiệu quả Kiến trúc CPĐT phiên bản 3.0 của Bộ NN-PTNT.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, hội nghị thường kỳ của Bộ lần này đã lựa chọn 3 chủ đề nóng nhất và gần nhất là: Kiến trúc CPĐT 3.0 của Bộ, dự kiến sẽ thống nhất và ban hành trong tháng 6/2024; Kết nối dữ liệu tàu cá với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trong Bộ với các chi cục thủy sản địa phương trong triển khai việc nhập liệu dữ liệu tàu cá, với sự phối hợp của C06 Bộ Công an; Truy xuất nguồn gốc các sản phẩm từ rừng (gỗ, ca cao, cà phê,…). Theo ông Toản, EUDR trong lâm nghiệp cũng quan trọng không kém IUU trong thủy sản vì sẽ là vấn đề bắt buộc chúng ta phải vượt qua, nó không chỉ dừng ở câu chuyện quản lý nhà nước mà còn liên quan đến rất nhiều ngành hàng, chuỗi giá trị. Với sự phối hợp chặt chẽ của IDH, ông Toản hy vọng các đơn vị liên quan sẽ đẩy nhanh quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin rừng và vùng sản xuất đáp ứng yêu cầu EUDR.

V.A (mard.gov.vn)

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn