Tại nhiều quốc gia trên thế giới, chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp được xây dựng như một chính sách ưu tiên phát triển hàng đầu. Là đất nước có ngành Nông nghiệp giữ vai trò trụ cột của nền kinh tế, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới. Chuyển đổi số nông nghiệp góp phần chuyển đổi hệ thống nông sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, giúp giải quyết bài toán về tăng năng suất, đồng thời thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Chuyển đổi số - Giải pháp đột phá về năng suất, chất lượng và phát triển bền vững
Nông nghiệp là ngành kinh tế có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù tỷ trọng nông nghiệp trong tổng sản phẩm cả nước (GDP) ngày càng giảm, song trong tầm nhìn dài hạn, nông nghiệp vẫn giữ vai trò chiến lược, là trụ cột chống đỡ nền kinh tế, góp phần vượt qua giai đoạn khó khăn, đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số nông nghiệp được coi là cơ hội để Việt Nam thay đổi từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị chuyển sang nền nông nghiệp thông minh, kinh tế nông nghiệp số. Đồng thời là giải pháp then chốt thúc đẩy ngành nông nghiệp Việt Nam vươn lên tầm cao, phát triển một cách bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và thể hiện trách nhiệm hơn với môi trường.
Việc ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ sinh học đem lại nhiều lợi ích, giúp phân tích dữ liệu về môi trường, thổ nhưỡng, con giống, cây trồng, các giai đoạn sinh trưởng. Dựa trên những dữ liệu được cung cấp để đưa ra cách thức phù hợp như: Bón phân, tưới nước, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, lựa chọn con giống… trong chăm sóc cây trồng, vật nuôi, nhờ đó, giảm được chi phí, giảm ô nhiễm nguồn nước và đất đai, bảo vệ được sự đa dạng sinh học. Theo các chuyên gia, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp có thể giảm được một nửa chi phí và công lao động, giảm khoảng 50% khí thải nhà kính và tăng khoảng 30% năng suất.
Chuyển đổi số giúp phát huy vai trò trụ cột kinh tế của nông nghiệp
Tăng cường ứng dụng công nghệ số vào toàn ngành nông nghiệp còn thúc đẩy mối quan hệ cung - cầu, giúp tăng cường kết nối giữa người sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng, nhờ đó đảm bảo tốt hơn cho đầu ra của nông sản. Nhờ tính ưu việt và tiện dụng của công nghệ số, người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi được các thông số về chất lượng nông sản, áp dụng kỹ thuật canh tác, chăn nuôi đảm bảo phù hợp với các yêu cầu thương mại quốc tế. Chuyển đổi số đem lại công cụ theo dõi và quản lý mức độ phát thải khí nhà kính của chuỗi cung ứng và tránh những rào cản không cần thiết khi xuất khẩu sang các thị trường giá trị cao, góp phần đưa nông sản Việt Nam đến gần hơn với cung đường xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Đặc biệt, trong quá trình hội nhập, Việt Nam cần thực hiện cam kết trong các Hiệp định thương mại đã ký, cùng các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường như phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050. Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, mà còn góp phần bảo vệ môi trường; đồng thời giúp giảm bớt sự phụ thuộc của quá trình sản xuất vào các yếu tố bất lợi từ tự nhiên, như thời tiết, khí hậu, kiểm soát dịch bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn.
Mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể về kết quả chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số ngành Nông nghiệp đã gặt hái được một số kết quả ban đầu. Đáng chú ý là nhận thức của các địa phương, doanh nghiệp, nhất là người nông dân về vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh trong ngành nông nghiệp ngày càng được nâng cao. Đến nay, cả nước có trên 2 triệu hộ nông dân sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, hàng chục nghìn sản phẩm nông nghiệp được đưa lên các sàn thương mại điện tử. Tính đến hết năm 2021, cả nước có gần 12% tổng số doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, trên 2 nghìn hợp tác xã nông nghiệp thực hiện chuyển đổi số.
Tại các địa phương trên cả nước, chuyển đổi số nông nghiệp được nghiêm túc nhìn nhận và thực hiện. Công nghệ số không chỉ ứng dụng trong quản lý điều hành mà cơ bản từng bước được ứng dụng trong các lĩnh vực của ngành nông nghiệp như: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản với sự góp sức của các doanh nghiệp lớn, có tầm ảnh hưởng như: Vinamilk, TH True milk, Dabaco, VinEco, Hoàng Anh Gia Lai… Điển hình như, công nghệ Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) được ứng dụng giúp phân tích dữ liệu về môi trường, các loại đất, cây trồng, các giai đoạn sinh trưởng của cây. Công nghệ IoT, Blockchain, công nghệ sinh học được ứng dụng rộng rãi ở trang trại chăn nuôi quy mô lớn; qua đó, góp phần quan trọng trong giám sát dịch bệnh, sản lượng tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc gia súc, gia cầm, quản lý chăn nuôi theo quy trình khoa học, an toàn dịch bệnh. Công nghệ DND mã vạch được ứng dụng trong quản lý giống lâm nghiệp và lâm sản; công nghệ GIS (công cụ dùng để thu thập, quản lý và phân tích dữ liệu từ không gian địa lý) và ảnh viễn thám dùng xây dựng các phần mềm cảnh báo cháy rừng từ ảnh vệ tinh, phần mềm giám sát trong quản lý rừng, phát hiện sớm suy thoái hay mất rừng, nhờ đó, góp phần đánh giá tài nguyên rừng một cách hiệu quả làm cơ sở phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Chuyển đổi số được thực hiện mạnh mẽ thông qua việc ứng dụng hệ thống sóng siêu âm, máy đo dòng chảy, hệ thống thu - thả lưới chụp, công nghệ GIS, thiết bị định vị toàn cầu (GPS) quản lý đội tàu khai thác hải sản xa bờ đã giúp cho việc nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản hiệu quả.
Không chỉ ứng dụng vào quá trình sản xuất, chuyển đổi số đã chứng minh được tính linh hoạt, hiệu quả trong tiêu thụ sản phẩm nông sản, góp phần đem lại nguồn nội, ngoại tệ đáng kể đóng góp vào sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Đặc biệt trong đại dịch Covid-19, khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, công nghệ số đã được các địa phương sử dụng vào quảng bá, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phân phối và tiêu thụ nông sản. Việc nông sản được đẩy mạnh giao dịch trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế như: Sendo, Shopee; Tiki; Postmart, ViettelPost (Voso), Lazada, trên các nền tảng trực tuyến như: Facebook, Zalo, Youtube… đã giúp ngành nông nghiệp vượt qua mùa dịch. Điển hình trong năm 2021, tại tâm dịch Bắc Giang ứng dụng công nghệ số đã giúp tiêu thụ khoảng 215 nghìn tấn vải thiều, tăng 50 nghìn tấn so với kế hoạch, trong đó, xuất khẩu 89,3 nghìn tấn, còn lại tiêu thụ nội địa, giá ổn định từ đầu đến cuối vụ, thậm chí có thời điểm còn cao hơn những năm không có dịch, thu về 6.821 tỷ đồng, tương đương doanh thu năm 2020.
Nhiều chính sách ưu tiên hàng đầu trong chuyển đổi số nông nghiệp
Với vai trò quan trọng trong tầm nhìn dài hạn, trên đường đua của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số trong nông nghiệp được coi là tất yếu, là giải pháp đột phá để giải bài toán năng suất, phát triển bền vững và luôn nhận được sự quan tâm, ưu tiên hàng đầu. Tại Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017, Chính phủ đặt ra các giải pháp trọng tâm để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó chỉ đạo dành ít nhất 100 nghìn tỷ đồng nguồn vốn huy động từ các ngân hàng thương mại nhà nước để cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất phù hợp, thấp hơn so với lãi suất thị trường.
Đáng chú ý, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được nhấn mạnh ưu tiên chuyển đổi số được đề cập tại Quyết định số 749/QĐ-TTg về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu. Tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp. Thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số. Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Xem xét thử nghiệm triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số” với mục tiêu mỗi người nông dân được định hướng, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo (giá, thời vụ,...) nông sản, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp. Thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý để có các chính sách, điều hành kịp thời phát triển nông nghiệp như dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch.
Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2023 xác định mục tiêu: Phát triển kinh tế số trong nông nghiệp nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp, người dân tham gia các hoạt động trong nông nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp; quản lý, giám sát nguồn gốc; hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số; ứng dụng công nghệ số trong quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp. Cung cấp dữ liệu mở có thể truy cập, sử dụng dễ dàng; hoàn thiện kho dữ liệu số đáp ứng các yêu cầu về kết nối; chia sẻ tài nguyên thông tin, dữ liệu. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng thí điểm 02-03 mô hình mẫu về sản xuất, kết nối nông nghiệp thông minh tại một số địa phương trọng điểm; Tạo điều kiện, thúc đẩy hợp tác công tư, tăng cường nghiên cứu các công nghệ số, phát triển các nền tảng số, hoạt động dữ liệu số, thúc đẩy dịch vụ số phục vụ phát triển kinh tế số nông nghiệp; Đẩy mạnh các hoạt động kết nối sản xuất tiêu thụ nông sản, phát triển ngành nghề, dịch vụ du lịch nông thôn trên nền tảng số, thông qua các sàn thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến.
Ngoài ra, Luật đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua vào tháng 1/2024 với đổi mới về mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, cho phép tích tụ đất đai dự kiến sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trên những cánh đồng mẫu lớn. Đồng thời, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân ứng dụng khoa học công nghệ để sử dụng hiệu quả quỹ đất đã tích tụ, góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững hơn. Qua đó, đem lại thuận lợi trong sản xuất và quản lý trong nông nghiệp, đồng thời giúp đem lại hiệu quả cao, đột phá về năng suất, chất lượng, tiết kiệm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tuy nhiên thực tế hiện nay, chuyển đổi số nông nghiệp vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế, làm ảnh hưởng đến tiến trình chung. Trong đó phải kể đến tình trạng cơ sở hạ tầng số ở khu vực nông thôn Việt Nam vẫn cần được cải thiện, quy mô ứng dụng chuyển đổi số vẫn cần được mở rộng và đồng bộ giữa các vùng, miền, địa phương. Nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân còn hạn chế, diện tích canh tác nhỏ; doanh nghiệp nông nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư cho chuyển đổi số. Vì vậy, để giải thành công bài toán chuyển đổi số ngành nông nghiệp, một số giải pháp đặt ra đó là: (1) Nâng cao nhận thức của các địa phương, doanh nghiệp và nhất là người nông dân về vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh trong ngành nông nghiệp; (2) Xây dựng hạ tầng công nghệ số hiện đại và đồng bộ với chi phí cạnh tranh; (3) Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng hệ thống dữ liệu ngành nông nghiệp; (4) Nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận và đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp cho nông dân; (5) Xây dựng và hoàn thiện chính sách phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp phù hợp và kịp thời, tạo động lực thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số ngành nông nghiệp đúng trọng tâm và hiệu quả./.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp tăng 3,88% so với năm trước, đóng góp 0,34 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Xuất khẩu nhóm hàng nông sản, lâm sản được đánh giá là thành công của ngành nông nghiệp Việt Nam. Tính chung cả năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 28,15 tỷ USD, tăng 12,9% so với năm 2022, là nhóm hàng duy nhất tăng trưởng dương trong số 4 nhóm hàng xuất khẩu chính. Trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản, lâm sản chiếm tỷ trọng 7,9%, tăng 0,8 điểm phần trăm so với năm trước.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, các sản phẩm của ngành nông nghiệp tiếp tục có những đóng góp ấn tượng, là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu cả nước. Trong đó, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt giá trị cao, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, như: Cà phê tăng 67,5%, đạt 1,25 tỷ USD; thủy sản tăng 22,3%, đạt 1,3 tỷ USD…
ThS. Cấn Thị Thùy Linh - ThS. Ngô Thị Luyến
Học viện Hành chính Quốc gia
Tags:
Tin tức chuyển đổi số