Sáng 26/2, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Tĩnh và Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp có buổi làm việc về công tác chuyển đổi số trên lĩnh vực nông nghiệp.
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Sở NN&PTNT Hà Tĩnh và Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp
Thời gian qua, bám sát các chủ trương, Chương trình chuyển đổi số (CĐS) Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng; các kế hoạch CĐS hàng năm của Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT đã chủ động tham mưu, xây dựng nội dung chính sách hỗ trợ CĐS đưa vào chính sách chung của tỉnh.
Sở NN&PTNT đã tổ chức các hội nghị, tập huấn quán triệt, phổ biến, triển khai nâng cao nhận thức, kiến thức về CĐS cho đội ngũ công chức, viên chức trong toàn ngành và các hộ sản xuất, trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã. Đồng thời, cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu thông tin, phục vụ kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia.
Về thực hiện kinh tế số, xã hội số, đến nay ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đã cập nhật thông tin, dữ liệu của hơn 19.000 cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó cập nhật lên phần mềm quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm được gần 500 cơ sở; cấp tài khoản cho 40 cơ sở và 23 chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn có xác nhận với các sản phẩm: Bưởi Phúc Trạch, cam chanh, rau củ quả, chè, nhung hươu, thủy sản, gạo.
Ông Nguyễn Quốc Toản - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp phát biểu tại buổi làm việc
Phối hợp với Sở Công thương triển khai quảng bá, kết nối các gian hàng sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh trên sàn thương mại điện tử như Alibaba, Sendo, Voso, Postmart, shopee, hatinhtrade...
Hiện có khoảng 500 gian hàng OCOP và sản phẩm nông thôn đăng trên sàn thương mại điện tử của tỉnh.
Trong giai đoạn 2021-2022, Sở NN&PTNT đã mạnh dạn triển khai thí điểm mô hình CĐS trên cây ăn quả, bước đầu đã thu thập, số hóa dữ liệu hơn 2.859 hộ sản xuất, kinh doanh bưởi Phúc Trạch với tổng diện tích 899 ha; xử lý số liệu 1.873 ha của 1.611 hộ dân sản xuất cam chanh, cam bù theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; xây dựng Cổng thông tin buoiphuctrach.gov.vn, App bưởi Phúc Trạch; hoàn thành xây dựng Cổng thông tin camhatinh.gov.vn và App Cam Hà Tĩnh...
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở NN&PTNT nêu rõ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện CĐS như: Tính đồng bộ kết nối, liên thông chưa được phát huy, việc phê duyệt phương án, dự toán kinh phí thực hiện còn chậm; công tác cập nhật số liệu, dự liệu còn khó khăn.
Đồng thời đề xuất hỗ trợ công tác tập huấn nâng cao nghiệp vụ; hỗ trợ hệ thống công cụ, các hệ số thống kê để Sở NN&PTNT có thể tính toán, kiểm chứng các chỉ tiêu thống kê tổng hợp; tính toán bộ tiêu chí giám sát và đánh giá tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các nội dung tiêu chí, chỉ liêu lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong Đề án xây dựng Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu tại buổi làm việc, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Toản - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp đánh giá cao những kết quả của ngành nông nghiệp Hà Tĩnh trong triển khai thực hiện CĐS, đồng thời đề nghị Sở NN&PTNT Hà Tĩnh và các đơn vị cần tháo gỡ các nút thắt trong CĐS như quy trình nghiệp vụ, số hóa, hệ thống, nâng cao năng lực cán bộ công chức, viên chức trong các đơn vị; tuyên truyền cơ chế chính sách, những mô hình tốt, cách làm hay trong CĐS.
Trung tâm sẽ hỗ trợ Sở NN&PTNT các nội dung trong quá trình thực hiện đề án CĐS; phối hợp với các đơn vị cập nhật dữ liệu, số hóa các nội dung lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó cần quan tâm đến số liệu thống kê các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt,... Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp sẽ tiếp thu, tham mưu với Bộ NN&PTNT bổ sung để chỉ đạo thực hiện thời gian tới.
(Báo Hà Tĩnh)
Tags:
Tin tức chuyển đổi số