CHUYÊN TRANG CHUYỂN ĐỔI SỐ


Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Dự thảo Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030

Dự thảo Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030


Dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia: Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới; kết nối, chia sẻ dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân và khai thác, sử dụng có hiệu quả dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp là động lực để phát triển đất nước trong thời kỳ chuyển đổi số.

Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia xây dựng, phát triển dữ liệu, sử dụng dữ liệu làm công cụ để cải cách hành chính, tạo ra giá trị kinh tế, nâng cao sự cạnh tranh và phục vụ lợi ích người dân: Nhà nước tạo lập, định hướng, xây dựng các nền tảng dữ liệu quốc gia, mở và chia sẻ dữ liệu cho người dân, doanh nghiệp khai thác sử dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; người dân, doanh nghiệp tham gia tích cực trong việc thu thập, chuẩn hóa, làm giàu các dữ liệu có giá trị; hình thành văn hóa dữ liệu, chuyển đổi nhận thức từ tra cứu dữ liệu sang chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu, từ sở hữu riêng dữ liệu sang chia sẻ dữ liệu sử dụng chung và cùng hưởng các lợi ích mà dữ liệu mang lại. Dữ liệu hình thành trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước là tài sản của Nhà nước.

Đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước: Xây dựng nền hành chính chủ động tương tác với người dân, doanh nghiệp dựa trên dữ liệu. Không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin đã có trong các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước; việc kế thừa, tái sử dụng và phát huy tối đa hiệu quả của dữ liệu là quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương.

Thị trường dữ liệu là yếu tố đột phá: Từng bước tạo lập và thúc đẩy mở thị trường dữ liệu để phát triển kinh tế số; lấy thị trường dữ liệu làm động lực phát triển dữ liệu (bao gồm các hoạt động trong chuỗi giá trị của dữ liệu như thu thập, lưu trữ, làm giàu, xử lý, chia sẻ, phân tích, phân phối dữ liệu,...) và kích thích thúc đẩy chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực, đồng thời tạo không gian để khai thác các giá trị kinh tế của dữ liệu, phát triển các doanh nghiệp công nghệ số, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Phát triển, sử dụng dữ liệu phải đi đôi với đảm bảo an toàn, an ninh dữ liệu, bảo vệ dữ liệu: Phát triển dữ liệu, khai thác sử dụng dữ liệu phải có các giải pháp đảm bảo an toàn dữ liệu đi kèm, đồng bộ với việc nâng cao nhận thức, năng lực khai thác, sử dụng dữ liệu an toàn. Khai thác, sử dụng dữ liệu phải đảm bảo nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan; coi trọng bảo vệ tính riêng tư, bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Đảm bảo chủ quyền số quốc gia đối với dữ liệu số của Việt Nam: Các chính sách, quy định quản lý dữ liệu xuyên biên giới phải đảm bảo tối đa các lợi ích quốc gia - dân tộc, phù hợp với các thỏa thuận và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đảm bảo chủ quyền số quốc gia đối với dữ liệu số của người Việt Nam, phát sinh tại Việt Nam.

Phát triển nguồn nhân lực là chìa khóa quan trọng nhất để triển khai thành công chiến lược dữ liệu quốc gia: Ưu tiên phát triển đội ngũ các nhà khoa học và các chuyên gia trong lĩnh vực dữ liệu, xử lý dữ liệu số để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dữ liệu và tạo nền tảng vững chắc cho việc phát triển bền vững và toàn diện của quốc gia trong kỷ nguyên số.

Tải văn bản tại đây




Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn