CHUYÊN TRANG CHUYỂN ĐỔI SỐ


Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Hà Nội

Sáng 8/12, tại Hà Nội, diễn ra hội thảo 'Chuyển đổi số trong công tác quản lý chất lượng, chế biến, tiêu thụ thực phẩm nông lâm thủy sản'.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội, thời gian gần đây thành phố rất quan tâm và có những cơ chế, chính sách để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số.

Về phía Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 92 ngày 20/10/2023 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 42 ngày 31/3/2023 về ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động năm 2023, trong đó xây dựng các nội dung về chuyển đổi số trong các lĩnh vực quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản.


Hội thảo chuyển đổi số. Ảnh: Tư liệu.

Phát triển dữ liệu số và ứng dụng chuyên ngành lĩnh vực quản lý chất lượng, chế biến, tiêu thụ thực phẩm nông lâm thủy sản.

Cụ thể, đã triển khai một số nhiệm vụ liên quan đến các phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành liên quan tới công tác quản lý chất lượng, sản xuất, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản như sau: Đã xây dựng các phần mềm chuyên ngành và tích hợp CSDL vào kho dữ liệu dùng chung ngành nông nghiệp:

(1) “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thuỷ sản thực phẩm thành phố Hà Nội” (check.hanoi.gov.vn) được thực hiện Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 03/01/2018 về duy trì, phát triển hệ thống thông tin điện tử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020 và được duy trì và phát triển đến nay. Hiện tại, hệ thống đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho 3.430 cơ sở là các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông lâm sản và thủy sản; đã cấp 13.353 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông lâm thủy sản đủ các tiêu chí về ATTP lên.

(2) Phần mềm trực tuyến kiểm tra, đánh giá kiến thức ATTP nông lâm thủy sản cho đối tượng là chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản. Đến nay, đã có 3532 lượt kiểm tra, đánh giá kiến thức ATTP nông lâm thủy sản với 3136 bài kiểm tra đạt yêu cầu.

(3) Phần mềm tự công bố sản phẩm nông lâm thủy sản: đăng tải 3.515 bộ hồ sơ tự công bố thực phẩm chế biến nông lâm thủy sản.

(4) Hệ thống phần mềm ứng dụng nền tảng công nghệ GIS ứng dụng quản lý an toàn thực phẩm nông lâm sản trong đó tập trung xây dựng dữ liệu quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng hệ thống cảnh báo đối với cơ sở không đảm bảo an toan thực phẩm, cơ sở có kết quả vi phạm trong thanh, kiểm tra, giám sát về chất lượng, an toàn thực phẩm.

(5) Xây dựng Chuyên trang thông tin điện tử về sản phẩm nông nghiệp của thành phố trên Cổng thông tin giao tiếp điện tử của ngành Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, hỗ trợ đưa các sản phảm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước…

Hà Nội đã có những chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND ngày 04/7/2023. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó: có 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 01 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi; giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện nay chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố.

Các mô hình ứng dụng công nghệ cao tập trung nhiều tại các Huyện (Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng…). Một số Doanh nghiệp, HTX tiêu biểu như: Công ty Đại Thành, Công ty TNHH Thực phẩm sạch Ba Vì, HTX Rau quả sạch Chúc Sơn và HTX Hữu cơ Đồng Phú huyện Chương Mỹ; HTX Hoàng Long huyện Thanh Oai, HTX sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết; đặc biệt là các trang trại, gia trại hoa cây cảnh, nuôi trồng hoa lan, nuôi cấy mô và lan VAR…

Nhìn chung, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện có trên địa bàn Thành phố tuy quy mô chưa lớn, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vai trò trong thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp điều kiện hiện nay của thành phố, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho các địa phương nói riêng và thành phố nói chung.


Người dân đã quan tâm đến chất lượng hàng nông sản. Ảnh: NNVN.

Bên cạnh những gì đã đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn là mới, chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định cụ thể nên bước đầu triển khai còn lúng túng. Việc ứng dụng các công nghệ chuyển đổi số trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ thực phẩm nông lâm thủy sản như việc áp dụng IoT, cảm biến trong việc tối ưu hóa hoạt động sản xuất vẫn chưa được nhiều… do sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán.

Nguồn nhân lực, nguồn vốn đầu tư khi tham gia vào công cộc chuyển đổi số trong nông nghiệp từ cơ quan quản lý, cơ sở sản xuất, kinh doanh còn hạn chế. Nông nghiệp và phát triển nông thôn là một lĩnh vực có nhiều chuyên ngành, nhiều chủ thể, nhiều mực độ năng lực và nhiều nhu cầu khác nhau. Chuyển đổi số nông nghiệp không chỉ đòi hỏi đầu tư nguồn lực lớn trong một quá trình lâu dài mà còn đòi hỏi sự nỗ lực cùng tham gia của tất cả các chủ thể trong chuỗi giá trị nông nghiệp.

Đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ 4.0 đòi hỏi vốn lớn, trong khi nguồn lực tài chính của người dân và các nhà đầu tư hạn chế, chính sách của Trung ương và Thành phố chưa đủ mạnh và đồng bộ, mới chỉ đáp ứng ở một số công đoạn trong chuỗi với quy mô nhỏ nên hoạt động đầu tư chưa được tập trung, nguồn vốn đầu tư còn ít, các mô hình sản xuất hiệu quả thiếu nguồn kinh phí để nhân rộng.

Để việc chuyển số thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản có sử dụng công nghệ chuỗi khối, tuyên truyền để người dân, chủ thể sản xuất, kinh doanh hiểu vai trò của chuyển đổi số. Tập huấn, hướng dẫn và đào tạo kiến thức, kỹ năng cho các chủ thể về chuyển đổi số để ứng dụng trong nông nghiệp, nông thôn. Phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ số để từ đó lan tỏa rộng.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn